Ngành chế tạo khuôn mẫu ở Hà Nội
Ngành chế tạo khuôn mẫu ở Hà Nội
Ngành chế tạo khuôn mẫu ở Hà Nội
Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng nghìn DN công nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau sử dụng công nghệ khuôn mẫu trong sản xuất. Có thể nói khuôn mẫu có vai trò quyết định hàng đầu về sản lượng sản xuất, độ chính xác, giá trị gia tăng của sản phẩm.
Máy cắt dây - Ảnh minh họa
Sử dụng công nghệ khuôn mẫu trong sản xuất có một ưu điểm vượt trội so với các công nghệ gia công khác là tạo ra năng suất cao, số lượng sản phẩm lớn, ít phải gia công lại nên đáp ứng được yêu cầu về sự đa dạng sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp, với thời gian triển khai sản xuất nhanh.
Bản thân khuôn mẫu cũng là sản phẩm của ngành cơ khí chế tạo tích hợp rất sâu các lĩnh vực công nghệ và giá trị tri thức. Rất nhiều tiến bộ kỹ thuật hàng đầu thế giới hiện nay trong lĩnh vực thiết kế, công nghệ vât liệu, công nghệ gia công chế tạo, tự động hóa đã và đang được thế hiện trong chế tạo khuôn mẫu. Một số nước như Đài Loan, Trung Quốc,… đã phát triển chế tạo khuôn mẫu trở thành ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng, thu về số ngoại tệ rất lớn.
Nhu cầu các loại khuôn mẫu nhựa, cơ khí, đúc áp lực, vật liệu xây dựng, … ngày càng lớn nên ngành chế tạo khuôn mẫu Hà Nội những năm gần đây có bước phát triển mới. Hầu hết các DN ngành cơ khí chế tạo, ngành nhựa lớn của Hà Nội như ô tô Xuân Kiên, Kim khí Thăng Long, Dụng cụ cơ khí xuất khẩu, Nhựa Hà Nội, xích líp Đông Anh… đã đầu tư mạnh cho chế tạo khuôn mẫu. Một số khuôn mẫu có trình độ phức tạp, độ khó cao như bộ khuôn mẫu kích thước lớn dập vỏ ô tô của Cty ô tô Xuân Kiên, bộ khuôn mẫu linh kiện nhựa chính xác cao cho xe máy tay ga Honda, Yamaha của Cty Nhựa Hà Nội, khuôn mẫu dập nóng chi tiết phụ tùng cơ khí cho ô tô xe máy của Cty Dụng cụ cơ khí xuất khẩu… đã chế tạo thành công, tạo ra bước ngoặt mới cho phát triển dòng sản phẩm ô tô thương hiệu Việt Nam, góp phần đưa ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô xe máy Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm ô tô xe máy các hãng đa quốc gia lớn thế giới.
Với chuyên môn hóa ngày càng sâu, Hà Nội đã bắt đầu hình thành một hệ thống bao gồm trên 30 DN chuyên doanh chế tạo khuôn mẫu cho nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. Quá nửa trong số đó là các DN vốn FDI đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan,... Trong số này, các DN khuôn mẫu Nhật Bản đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống công nghiệp hỗ trợ cho các DN sản xuất lắp ráp lớn Nhật Bản tại Việt Nam. Về năng lực, các DN trong hệ thống chế tạo khuôn mẫu Hà Nội thu hút khoảng 1.500 lao động, tạo ra doanh thu một năm trên 500 tỷ đồng. Lớn nhất trong hệ thống này đa phần là các DN khuôn mẫu đến từ Nhật Bản như Tsukuba, Toho, Ohara, Zion,…
Có thể nói chế tạo khuôn mẫu là ngành công nghiệp công nghệ cao bởi nó đòi hỏi độ phức tạp, độ khó rất cao từ giai đoạn thiết kế cho đến gia công chế tạo. Gia công chế tạo khuôn mẫu hầu hết phải sử dụng thiết bị máy móc đầu tư rất tốn kém như các trung tâm gia công CNC có độ chính xác cao, tốc độ gia công lớn, lập trình tự động hóa và các thiết bị rà khuôn, đo kiểm chính xác. Để đạt được trình độ cao, đòi hỏi phải có các thiết bị chuyên dùng khác như thiết bị sao chép, tái tạo dữ liệu sản phẩm, thiết bị tạo mẫu nhanh,…Về thiết kế, để đạt được trình độ chuyên nghiệp phải sử dụng các phần mềm thiết kế có bản quyền CAD/CAM/CAE khá đắt tiền. Phần mềm thiết kế khuôn mẫu tới nay không chỉ dừng lại như các phần mềm thiết kế thông thường mà đã phát triển thêm các phần mềm chuyên dụng như phần mềm mô phỏng các quá trình hóa lý diễn ra trong sử dụng khuôn mẫu, phần mềm kiểm tra lỗi khi lập trình thiết kế,… qua đó giúp giảm thiểu cao nhất lỗi và khuyết tật trong chế tạo khuôn mẫu. Chế tạo khuôn mẫu còn đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng về công nghệ vật liệu, công nghệ nhiệt luyện, hóa, lý… Và trên hết, chế tạo khuôn mẫu phải có được đội ngũ nhân lực trình độ cao không những phải được đào tạo bài bản về chuyên môn mà còn phải thường xuyên tìm tòi, tích lũy được bí quyết, kinh nghiệm trong thực tế. Nhà thiết kế khuôn mẫu giỏi đòi hỏi phải có đầu óc sáng tạo cao, khả năng tưởng tượng cao về cơ cấu hình ảnh và kết cấu chi tiết, nhưng đồng thời phải có tác phong làm việc rất cẩn thận, nghiêm túc, tỷ mỷ và thận trọng,…
Chế tạo khuôn mẫu là hoạt động sản xuất tạo ra giá trị gia tăng cao do chi phí khuôn mẫu không phụ thuộc nhiều vào vật tư nguyên liệu mà phụ thuộc rất nhiều vào trình độ kinh nghiệm, tri thức, khả năng sáng tạo của người thiết kế, đồng thời cũng phụ thuộc rất nhiều vào độ khó, độ chính xác, độ phức tạp khi chế tạo gia công. Một bộ khuôn mẫu sản phẩm nhựa nhỏ nhưng phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao như bộ khuôn làm vỏ máy điện thoại di động chỉ nặng 200 kg có thể có giá trị hàng trăm nghìn USD, cao gấp 3 đến 4 lần bộ khuôn mẫu làm mũ bảo hiểm thông thường, trong khi bộ khuôn này chỉ nặng bằng 1/3 đến 1/4 so với bộ khuôn mẫu mũ bảo hiểm.
Khảo sát ý kiến các DN sử dụng khuôn mẫu tại Hà nội của Sở Công Thương Hà Nội gần đây cho thấy một thực tế là công nghiệp chế tạo khuôn mẫu trong nước chưa được các DN trong nước đánh giá cao. Các DN sử dụng khuôn mẫu thường cho rằng khuôn mẫu trong nước không đáp ứng được yêu cầu về độ chính xác, độ khó, độ bền và độ phức tạp. Dù đã giảm, nhưng vẫn còn nhiều DN sử dụng khuôn mẫu cho rằng khuôn mẫu trong nước giá thành cao, thường giao hàng chậm. Chính vì vậy, số DN sản xuất sản phẩm yêu cầu kỹ thuật cao lựa chọn phương án đặt hàng hoặc mua khuôn mẫu từ nước ngoài có tỷ lệ khá lớn.
Giữa DN chế tạo khuôn mẫu trong nước và DN chế tạo khuôn mẫu FDI có sự đánh giá khá khác nhau về giải pháp phát triển. Các DN khuôn mẫu Nhật Bản thường nhấn mạnh các giải pháp phải tích cực học tập, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng chuyên nghiệp, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực. Các DN trong nước lại nhấn mạnh giải pháp đầu tư thêm các thiết bị máy móc gia công hiện đại. Các DN chế tạo khuôn mẫu Nhật Bản thường hợp tác chặt chẽ với các DN sử dụng khuôn mẫu Nhật Bản FDI Nhật Bản nên không phàn nàn nhiều về vấn đề này. Trong khi đó các DN chế tạo khuôn mẫu trong nước thường cho rằng sự yếu kém trong hợp tác phối hợp với DN sử dụng khuôn mẫu là nguyên nhân quan trọng của sự yếu kém của công nghiệp khuôn mẫu trong nước.
Về phía các DN có chế tạo khuôn mẫu trong nước, dù rất tự tin về sản phẩm của mình nhưng đa phần vẫn dừng ở việc tự chế tạo khuôn mẫu cho sản xuất của chính mình mà chưa hướng nó thành hàng hóa cung cấp ra thị trường. Số các DN trong nước thực sự sống bằng chế tạo khuôn mẫu còn rất ít và năng lực sản xuất đang ở trình độ khá thấp so với các DN chế tạo khuôn mẫu FDI đến từ Nhật Bản, Đài Loan,… Tình trạng đầu tư khép kín, trùng lắp nhưng lại không đồng bộ, và đặc biệt là thiếu phối hợp liên kết trong chế tạo khuôn mẫu gây ra lãng phí trong đầu tư, làm giảm rất đáng kể hiệu quả, năng lực cạnh tranh của ngành chế tạo khuôn mẫu trong nước tại Hà Nội.
Khuôn mẫu là loại sản phẩm công nghiệp đặc biệt, có giá phổ biến từ vài chục đến vài trăm nghìn USD. Các bộ khuôn mẫu khó và phức tạp như khuôn mẫu dập vỏ xe ô tô có giá lên tới hàng triệu USD. Người cần các sản phẩm này không phải là số đông người tiêu dùng thông thường mà là các nhà sản xuất. Khuôn mẫu có vai trò ảnh hưởng rất quyết định để tạo ra chất lượng, uy tín, thương hiệu cho nhà sản xuất. Chính vì vậy, quá trình thương thảo, mua bán, hợp tác sản xuất khuôn mẫu không đơn giản, mà đòi hỏi yêu cầu đặc biệt trong việc tìm hiểu, trao đổi, giới thiệu, tư vấn, thỏa thuận, thử nghiệm sản phẩm,… Hầu hết các DN công nghiệp được Sở Công Thương Hà Nội khảo sát đã nhất trí cao đề nghị Nhà nước tăng cường hỗ trợ cho các hoạt động gặp gỡ, giao thương, hội chợ, triển lãm, quảng bá chuyên ngành cho sản phẩm khuôn mẫu trong nước. Một số các thiết bị chuyên dụng đắt tiền như thiết bị thí nghiệm, thiết bị đo, kiểm tra có độ chính xác cao phục vụ cho chế tạo khuôn mẫu cũng được nhiều DN đề nghị Nhà Nước đầu tư để phục vụ chung cho các DN. Vật liệu làm khuôn mẫu thường là các loại thép chuyên dụng nhập khẩu đắt tiền nên nhiều DN chế tạo khuôn mẫu đề nghị Nhà Nước cần hỗ trợ, ưu đãi cao nhất về vay vốn ngoại tệ cũng như về thuế nhập khẩu.
Chế tạo khuôn mẫu là một trong các ngành nghề công nghiệp được Nhà Nước khuyến khích hỗ trợ. Các chính sách ưu đãi, khuyến khích ngành công nghiệp chế tạo khuôn mẫu đã được thể hiện tại Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Đầu tư và các Nghị Định, Thông tư hướng dẫn thực hiện. Thiết kế khuôn mẫu cũng đã được Nhà nước đưa vào chương trình đào tạo đại học chính qui khối ngành kỹ thuật. Phát triển chế tạo khuôn mẫu cũng là nội dung quan trọng trong nhiều bản quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp then chốt, quan trọng của đất nước.
Tại Hà Nội, chế tạo khuôn mẫu được xếp vào danh mục các ngành nghề, sản phẩm ưu tiên mũi nhọn của thành phố, thể hiện trong Quyết định số 25 ngày 3/10/2008 của UBND thành phố Hà Nội. Gần đây nhất, tại Quyết định số 1081 ngày 6/7/2011 do Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng ký về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng đã xếp công nghệ chế tạo khuôn mẫu là sản phẩm công nghiệp quan trọng, có tính dẫn đường, cần tập trung phát triển nhanh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XV năm 2010 đã đề ra các mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, phát triển kinh tế tri thức để Hà Nội trở thành một trung tâm hàng đầu về nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm mới của cả nước. Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, ngành công nghiệp chế tạo khuôn mẫu có vị trí vai trò rất quan trọng.
Khi bài viết này lên trang Web thì Hội thảo về chế tạo khuôn mẫu công nghệ cao ngày 30/8/2011 do Sở Công Thương Hà nội phối hợp với Cty ô tô Xuân Kiên Vinaxuki chủ trì vừa được tổ chức rất thành công. Đây là một trong các hoạt động hỗ trợ nhằm giúp cho các DN chế tạo khuôn mẫu cũng như các DN sử dụng khuôn mẫu có thêm cơ hội gặp gỡ, trao đổi thuận lợi hơn, qua đó để tăng cường sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn nữa, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như hiệu quả sử dụng công nghệ khuôn mẫu trong các DN công nghiệp Hà Nội.
Hội thảo đã có sự tham dự của các cơ quan quản lý công nghiệp và khoa học công nghệ trung ương và địa phương như: Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp Bộ Công Thương, Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ Bộ Khoa học công nghệ, Sở Khoa học công nghệ, Sở Kế hoạch và đầu tư, các cán bộ khoa học công nghệ,...
Hội thảo đã có mặt trên 70 đại biểu gồm lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của trên 20 DN chế tạo và sử dụng khuôn mẫu ngành công nghiệp Hà Nội. Trong đó, có các DN sử dụng công nghệ khuôn mẫu tiêu biểu nhất trên các lĩnh vực như: Đột dập cơ khí, dập nóng, đúc áp lực, ép phun nhựa, đúc cao su,… Đặc biệt Hội thảo này lần đầu tiên có sự tham gia của các DN chế tạo khuôn mẫu FDI Nhật Bản tại Hà nội như Sayen, Toho, Nippo, Kyoei.
Sau phần tham quan Trung tâm chế tạo khuôn mẫu công nghệ cao của Cty ô tô Xuân Kiên Vinaxuki, Hội thảo đã nghe tham luận và phát biểu ý kiến về: Chế tạo khuôn mẫu ép phun nhựa chính xác cao của Cty Nhựa Hà nội; Chế tạo khuôn mẫu dập nóng của Cty Dụng cụ cơ khí xuất khẩu; Sử dụng phần mềm NX của Mỹ trong thiết kế chế tạo khuôn mẫu của Cty UpViet; Chế tạo khuôn mẫu dập vỏ ô tô của Cty Xuân Kiên Vinaxuki,…
Hội thảo đã được nghe phát biểu của ông Ngô Văn Trụ - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương về cơ chế chính sách Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô. Các DN chế tạo khuôn mẫu Hà Nội rất phấn khởi khi đại diện Bộ Công Thương cho biết Chính Phủ vừa ký Quyết định về Danh mục Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, theo đó, khuôn mẫu cũng là sản phẩm nằm trong danh mục này.
Qua phỏng vấn bên lề Hội thảo của truyền hình Hà Nội đối với đại diện Cty Quang Điện điện tử Bộ Quốc phòng, Cty Công nghiệp Đông Hưng, Cty Sayen Nhật Bản, … cho thấy các DN đánh giá cao sự cố gắng của Sở Công Thương trong tổ chức Hội thảo lần này, qua đó kết nối và đẩy mạnh hợp tác giữa các DN trong chế tạo và sử dụng khuôn mẫu trên địa bàn Hà Nội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ngành công nghiệp Hà Nội.
(Theo Công thương Hà Nội)
"