Máy móc thiếu bảo trì là thủ phạm giết người
Máy móc thiếu bảo trì là thủ phạm giết người
Máy móc thiếu bảo trì là thủ phạm giết người
Gần đây, một học sinh lớp 8 bị tử vong vì rò rỉ điện từ trụ đèn chiếu sáng ở quận 5, TP HCM vào tối 31/8; chiều 27/9, một vụ rò rỉ điện cũng làm chết một học sinh lớp 5 ởquận 6, TP HCM. Trước đó, năm 2007, một học sinh lớp 9 đã bị điện giật chết tại trụ đèn chiếu sáng số 13 trên đường Nguyễn Văn Luông, Q.6, TP HCM.
Thật ra, ngay tại mỗi trụ đèn chiếu sáng đều có đồng hồ điện, sau đồng hồ là CB (Circuit Breaker) để ngắt điện tự động khi có sự cố. Không hiểu sao trong trường hợp này, CB không “nhảy” để ngắt điện.
Theo tin trên các báo, sau một tháng kiểm tra về an toàn điện ở 22.565 trụ điện trên địa bàn TP HCM, các nhóm kiểm tra của Công ty Điện lực thành phố phát hiện gần 15. 000 lỗi có thể gây mất an toàn. Một câu hỏi đặt ra còn bao nhiêu trụ điện nữa có thể gây mất an toàn trên phạm vi cả nước?
Nhưng đâu chỉ có những tai nạn do điện. Các tai nạn trong ngành xây dựng (đổ cần cẩu, sập cầu; bê tông rơi…), tai nạn giao thông, tai nạn trong sản xuất công nghiệp cũng có thể do máy móc, thiết bị hư hỏng đột xuất…
Tại Việt Nam, thường tai nạn xảy ra rồi người ta mới nghĩ đến khắc phục, đối phó. Người dân cũng chưa được cảnh báo cũng như được hướng dẫn cách phòng tránh tai nạn từ những loại máy móc, thiết bị có thể mất an toàn.
Bảo trì và lợi nhuận
Tại Mỹ, chi phí bảo trì luôn là một khoản kinh phí khổng lồ và tăng hàng năm. Cụ thể, năm 1981, các công ty Mỹ đã phải chi ra 600 tỷ USD; song đến năm 2010 dự kiến có thể là 1.600 tỷ USD. Tại Việt Nam, đến nay, chưa có những nghiên cứu về chi phí bảo trì. Tuy nhiên, có thể ước tính tổng giá trị thiết bị của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hiện nay khoảng 50 tỷ USD. Do trình độ bảo trì còn thấp nên tổng chi phí bảo trì có thể bằng ít nhất là 10% tổng giá trị thiết bị, nghĩa là khoảng 5 tỷ USD hàng năm.
Theo điều tra, thiệt hại do ngừng máy một giờ tại một số doanh nghiệp điển hình là 10 triệu đồng (máy ép phun nhựa cỡ lớn), 240 triệu đồng (dây chuyền chế biến sữa đặc có đường), 900 triệu đồng (dây chuyền chế biến bia lon), hai tỷ đồng (dây chuyền sản xuất xi măng), 180 triệu đồng (nhà máy thép), 300 triệu đồng (máy ép thuốc viên)…
Bảo trì là phòng ngừa để tránh cho máy móc, thiết bị không bị hư hỏng, đảm bảo cho chúng hoạt động với năng suất, hiệu suất và hiệu quả kinh tế cao nhất trong môi trường làm việc an toàn hơn. Thế nhưng, bảo trì máy móc hiện là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Muốn cải thiện tình trạng này, cần đổi mới tư duy về bảo trì. Bảo trì không phải là chi phí mà là đầu tư; là vấn đề kinh tế; là hoạt động làm tăng năng suất, chất lượng, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Hoạt động bảo trì phải có sự tham gia và hỗ trợ của tất cả mọi người, từ lãnh đạo cao nhất đến từng nhân viên tại phân xưởng. Tiếp theo đổi mới tư duy về bảo trì, cần đổi mới về đào tạo, tư vấn, về công nghệ quản lý và kỹ thuật bảo trì để có thể hòa nhập với thế giới.
(ST)
"